Tiếng ồn là gì?
Tiếng ồn (Tiếng Anh:noise) là những âm thanh không mong muốn. Gây khó chịu cho người nghe, ảnh hưởng tới quá trình làm việc và nghỉ ngơi.
Tiếng ồn vật lý là những dao động sóng âm với cường độ và tần số khác nhau, sắp xếp không có trật tự và được lan truyền trong môi trường đàn hồi.
Đơn vị đo tiếng ồn là dB, đọc là Đề-xiben.
Tác hại của tiếng ồn
Tiếng ồn – Âm thanh gây ra những tác hại cho cơ thể bao gồm giảm thính lực, cao huyết áp, tim mạch, các bệnh về đường tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, giảm ham muốn tình dục, thay đổi chức năng miễn dịch, dị dạng thai nhi, thậm chí tử vong.
1. Giảm thính lực
Cơ chế của sự giảm hoặc mất thính lực là do tổn thương các nhung mao ở xoắn tai. Chúng ta đang sống trong một thế giới ồn ào. Một chuỗi tiếng động liên tiếp với độ lớn 85 dB có thể làm giảm thính lực. Đây là mức âm thanh của một cảnh tượng giao thông hỗn độn. Bạn không nên để cho tai tiếp xúc với tiếng ồn 85 dB hơn 1 giờ mỗi ngày.
2. Gây bệnh tim mạch
Năm 1999, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chứng minh có sự liên hệ giữa cao huyết áp và sự tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn khoảng 67-70 dB. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy âm lượng trên 50 dB vào ban đêm cũng có thể gây nhồi máu cơ tim do cơ thể sản xuất quá nhiều và liên tục cortisol. Những âm thanh từ động cơ xe và tiếng còi xe làm co mạch máu khiến huyết áp tăng lên.
3. Dị tật thai nhi
Năm 1978, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ nói về mối liên hệ giữa tiếng ồn và tình trạng trẻ em sinh thiếu cân, dị dạng thai nhi khi thai phụ sống gần sân bay, đô thị ồn ào… Những dị tật thai nhi do tiếng ồn bao gồm sứt môi, hở vòm miệng, tổn thương cột sống. Theo Lester W. Sontag của Viện Nghiên cứu Fels, môi trường đóng một vai trò đáng kể trong việc hình thành thể chất, cá tính, chức năng của động vật, trong đó có con người, ngay từ lúc được thụ thai. Phôi thai có khả năng tiếp nhận âm thanh và phản ứng lại bằng những vận động cùng sự thay đổi nhịp tim. Sự tiếp xúc với tiếng ồn được cho là sẽ gây hại cho bào thai ở giai đoạn 16-60 ngày khi một số cơ quan nội tạng chính và hệ thần kinh trung ương đã được hình thành.
Khi thai phụ nghe tiếng ồn, mạch máu sẽ bị co lại nên không đủ dưỡng khí cho thai nhi khiến trẻ sinh thiếu cân. Tiếng ồn cũng làm thay đổi một số hormone ở thai phụ vốn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của bào thai.
4. Hạn chế khả năng học tập của trẻ
Trẻ em tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn thì sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng nghe và nói. Các nghiên cứu cho thấy khi trẻ em học tập trong một môi trường có quá nhiều tiếng ồn thì việc tiếp thu bài học sẽ chậm hơn những trẻ học tập trong môi trường yên tĩnh. Một nghiên cứu cho thấy trẻ em học tập trong môi trường ồn ào thì vốn từ ngữ sẽ nghèo nàn, kỹ năng nhận thức và kỹ năng viết bị hạn chế.
5. Căng thẳng (stress)
Đặc biệt, tiếng ồn gây mất ngủ, suy sụp tinh thần và căng thẳng thần kinh. Một số bi kịch đã xảy ra trong khu dân cư cũng chỉ vì tiếng ồn. Vì vậy, giải quyết nạn ô nhiễm tiếng ồn đòi hỏi ý thức của người dân và sự kiên quyết vào cuộc của chính quyền.
Mục đích của việc đo âm thanh – tiếng ồn
Tại một khu vực hay một vị trí khác nhau sẽ có mức cường độ tiếng ồn khác nhau, với những tác hại nghiêm trọng như đã nêu trên thì chúng ta nên sử dụng máy đo tiếng ồn để biết được chính xác độ ồn tại nơi làm việc, trường học, bệnh viện, khu dân cư,…qua đó tìm phương pháp hạn chế tiếng ồn để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tiếng ồn hay âm thanh sẽ được theo dõi liên tục khi đó chúng ta sẽ biết được mức âm thanh trung bình tại một khu vực theo giờ, ngày và một chu kỳ thời gian nhất định. Hiện tại đã có một số loại máy đo âm thanh tiếng ồn với chức năng lưu trữ dữ liệu sẽ rất tiện để phân tích cường độ âm thanh.
Một số phương pháp làm giảm tiếng ồn
Trong lao động sản xuất:
Quy hoạch máy móc gây ra tiếng ồn ra một khu riêng biệt. Không sử dụng các thiết bị máy móc quá cũ gây tiếng ồn lớn.
Thiết kế kiến trúc nhà xưởng hợp lý. Sử dụng tường cách âm.
Trồng cây xanh có nhiều lá cũng góp phần làm giảm âm thanh – tiếng ồn.
Giao thông
Treo biển báo cấm bóp còi to, xây dựng đường bằng phẳng.
Giảm tiếng ồn trên đường truyền.
Sử dụng các vật liệu cách âm, kết cấu cộng hợp giảm năng lượng của nguồn âm
Giảm tiếng ồn khí động gây ra do sự va chạm đường khí trong môi trường khí
Sử dụng bộ tiêu âm: Ống tiêu âm, buồng tiêu âm, tấm tiêu âm
Cá nhân khi làm việc cần sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân như nút tai, chụp tai.
Kết luận: Môi trường làm việc bây giờ đang bị ôi nhiễm tiếng ồn nặng, việc đo tiếng ồn và công tác làm giảm tiếng ồn nên được chú trọng nhằm có phương pháp phòng chống tiếng ồn hiệu quả, qua đó hạn chế những tác hại không mong muốn làm ảnh hưởng đến sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng.
Tham khảo: Wikimedia VN/nld.com.vn